Breaking News

Tranh chấp Biển Đông: 'Ra tòa xong, ai là người thi hành'

Việc Mỹ và Trung Quốc giảm đối đầu sau các cuộc tiếp xúc gần đây của lãnh đạo hai nước ảnh hưởng thế nào tới tình hình biển Đông?
- Việc này gây ảnh hưởng rất lớn. Thế giới có rất ít các cường quốc nhưng họ lại có ảnh hưởng nhiều đến các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. 


Trung Quốc là "hàng xóm" của Việt Nam và đang ôm mộng vươn lên thành thành quốc gia đứng đầu, chi phối khu vực. Trong một thời gian dài, Mỹ đã bỏ lửng khu vực châu Á, tạo điều kiện cho Trung Quốc phát triển rất mạnh, có những hành động đe dọa đến đồng minh và đối tác của Mỹ, tức là đe dọa vị thế thế giới của Mỹ.
Một số học giả Trung Quốc nhận định rằng việc cai quản thế giới thì Mỹ vẫn là siêu cường, nhưng đứng đầu ở khu vực châu Á này phải là Trung Quốc. Tuy nhiên khu vực châu Á nằm trong tổng thể châu Á - Thái Bình Dương và rất quan trọng với thế giới, vì vậy không dễ gì Mỹ nhường vị trí đó lại cho Trung Quốc.
Trong khi đó, hầu hết các hành động gây căng thẳng trên biển Đông gần đây đều bắt nguồn từ phía Trung Quốc, như việc đơn phương hạ đặt giàn khoan 981, cho xây dựng đường băng hay các bãi đá ở Trường Sa... Những hành động cụ thể của Trung Quốc trên biển Đông thì rất là khó đoán. Tuy nhiên tham vọng của họ cũng rất là rõ ràng.
viet-4774-1403259093-5881-1416193077.jpg
Ông Hoàng Việt, thạc sĩ Luật - Đại học Luật TP HCM, thành viên Quỹ Nghiên cứu biển Đông kiêm cố vấn học thuật của Trung tâm dữ liệu Hoàng Sa. Ảnh: Nguyễn Đông.
Ai có đủ sức để ngăn chặn hành động này của Trung Quốc? Các nước ASEAN thì kể cả 10 nước hợp lại vẫn quá nhỏ so với Trung Quốc. Chỉ có một cường quốc có thể góp phần ngăn chặn, đó là Mỹ.
Mỹ từng tuyên bố có lợi ích ở Biển Đông. Nếu duy trì được môi trường hòa bình và ổn định tại đây, Mỹ sẽ có lợi. Mối quan hệ Trung - Mỹ sẽ tác động rất lớn đến biển Đông, trực tiếp nhất là Việt Nam và một số nước có tranh chấp với Trung Quốc trong khu vực. Các nhà chiến lược luôn nhắc câu chuyện năm 1974 khi Mỹ im lặng để Trung Quốc ra tay chiếm Hoàng Sa. Quan hệ Mỹ - Trung gồm rất nhiều vấn đề và biển Đông chỉ là một phần trong nghị trình của hai bên. Nhưng nó vẫn sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam.
Rõ ràng Trung - Mỹ có những lợi ích song trùng với nhau để hợp tác, nhưng cũng có những cái đối lập nhau. Xu hướng bây giờ của các quốc gia là vừa hợp tác, vừa đấu tranh. Đó là một bức tranh hết sức phức tạp.
- Trước khi lãnh đạo Mỹ -Trung ngồi lại với nhau, Trung Quốc đã có hàng loạt hành động làm thay đổi cấu trúc của nhiều đảo đá, bãi ngầm  ở biển Đông. Dưới góc độ luật, việc này được nhìn nhận như thế nào?
- Trung Quốc đang mở rộng 6 bãi đá ở khu vực quần đảo Trường Sa. Trong đó chúng ta cần chú ý đến bãi đá Chữ Thập, bởi vị trí của nó rất quan trọng. Về mặt luật pháp thì ở đây có hai vấn đề. Thứ nhất, nó cho thấy tính không bền vững và yếu của DOC. Năm 2002, DOC là tuyên bố chung về cách ứng xử của các bên liên quan cho vấn đề ở biển Đông. Văn kiện mà Trung Quốc và ASEAN ký kết có yêu cầu các bên không được thay đổi hiện trạng, làm phức tạp thêm tình hình. Nhưng trên thực tế Trung Quốc vẫn đơn phương đi ngược lại thỏa thuận trên, thay đổi cấu trúc địa lý. Điều này cho thấy DOC gần như không có giá trị gì cả.

anh2-4-9627-1416193077.jpg
Giàn khoan Hải Dương 981 được Trung Quốc hạ đặt trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi tháng 5. Ảnh: Nguyễn Đông.
Thứ hai, theo Công ước Luật biển quy định, khoản 1, Điều 121, đảo là một vùng đất tự nhiên, bao bọc bởi nước và luôn nổi trên mặt nước khi thủy triều lên, và nếu là đảo thì sẽ có quy chế như trên đất liền, tức là sẽ có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa tối thiểu là 200 hải lý. Tuy nhiên, trong Công ước Luật biển ở điều 60 hay như điều 121 cũng quy định rằng, những đảo đá nào không thích hợp cho đời sống con người và kinh tế riêng thì sẽ không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Đã có một học giả Đài Loan cho rằng một số đảo trên Trường Sa và Hoàng Sa đã có người ở, đã có đường băng, cây ATM... thì đã thỏa mãn là đảo và phải có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Một số học giả Trung Quốc cũng đang giải thích theo hướng đó. Và nếu Trung Quốc xây dựng và mở rộng xong bãi đá ở Trường Sa thì họ cũng sẽ lập luận theo hướng đó.
Nếu áp dụng đúng luật pháp thì không thể như thế được. Luật pháp quy định đảo phải có đời sống kinh tế riêng, hoặc là thích hợp với đời sống con người. Còn những đảo do con người bồi đắp thì là đảo nhân tạo và chỉ có 500 m vùng an toàn chứ không được có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Luật pháp sẽ không công nhận việc biến đổi quy chế pháp lý, khi mà Trung Quốc tôn tạo, thay đổi cấu trúc địa lý đó. Tuy nhiên, chúng ta đều biết Trung Quốc đang muốn thay đổi luật pháp và đặc biệt là giải quyết luật pháp theo cách có lợi cho họ. 
- Nếu Trung Quốc bất chấp luật pháp để xây dựng các bãi đá đó thì Việt Nam sẽ đối mặt với những khó khăn gì?
- Ai cũng biết một điều là luật pháp quốc tế đang tồn tại những điểm yếu của nó. Bản thân luật quốc tế đã rất phức tạp, ví như khi giải quyết tranh chấp, ra tòa xong rồi thì ai là người thi hành nó. Đấy luôn luôn là một câu hỏi lớn. Điều này đòi hỏi sự lên tiếng và tôn trọng luật pháp của cộng đồng quốc tế nói chung, trong đó bao gồm cả Trung Quốc.
Quan hệ Việt - Trung đã có những lúc rất là căng thẳng, đặc biệt trong sự kiện giàn khoan 981. Hiện tại hai nước đã cải thiện quan hệ rất nhiều. Tuy nhiên cá nhân tôi cho rằng phía Việt Nam phải đánh giá được tham vọng thực sự của Trung Quốc là gì. Lịch sử cho thấy họ luôn cam kết một đàng và lại làm một nẻo.

Dù vậy, tham vọng của họ sẽ sớm bộc lộ một cách rất rõ ràng. Tôi nghĩ rằng Chính phủ và người dân Việt Nam phải luôn hiểu rõ được điều đó để tính tới những hướng lâu dài.

Bài đăng phổ biến