Breaking News

"Chồng còn không thương yêu em, anh cứu em làm gì"

40 năm công tác, gần 20 năm đứng chốt ở cầu Chương Dương, thượng tá Lê Đức Đoàn nhẩm tính mình đã cứu giữ sinh mạng của gần 40 người. Trong số đó, có tới 80% là phụ nữ.


Nói tới thượng tá Lê Đức Đoàn, nhiều người nói ông là "chuyên gia chống lại thần chết" vì cứu nhiều người có ý định tự tử. Thất tình, nợ nần, bị xâm hại tình dục…là những câu chuyện ông đã gặp khiến họ tìm đến cái chết. Những hoàn cảnh, những giọt nước mắt… của họ đã đi theo ông suốt những năm tháng đứng chốt ở cầu Chương Dương cùng đồng đội.
Với thượng tá Đoàn, việc cứu người cũng như việc đứng chốt tại điểm này trong gần 20 năm qua giống như cái duyên. Mặc dù đã có lần, cấp trên đề xuất việc chuyển sang chốt khác nhưng ông vẫn chọn gắn bó với cây cầu ấy.
Gọi cho mình thêm cốc trà nóng giữa cái lạnh của buổi chiều đông, thượng tá Đoàn nhớ lại trường hợp đầu tiên ông cứu khi người đó nhảy cầu Chương Dương tự tử.
Thượng tá Lê Đức Đoàn tham gia điều tiết giao thông tại chốt cầu Chương Dương cùng đồng đội
Thượng tá Lê Đức Đoàn tham gia điều tiết giao thông tại chốt cầu Chương Dương cùng đồng đội

Đó là vào thời điểm cuối năm 1994 khi thượng tá Đoàn vừa nhận công tác tại chốt cầu Chương Dương. Cô bé trạc 20 tuổi, mảnh mai, mái tóc dài, sau khi rời xe bus đã chọn cho mình điểm trục thứ 3 cầu Chương. Nhận được thông tin từ người dân, thượng tá Đoàn vội vàng chạy bộ hơn 400 m từ vị trí đứng của mình tới vị trí cô bé ấy định nhảy cầu.

"Lúc ấy tôi đã "vỗ về" cô bé bằng rất nhiều câu chuyện và đi tìm nguyên nhân cô bé nhảy cầu từ chính những câu chuyện mình đang tỉ tê với cô bé ấy. Sau khi kéo được vào trong, cô bé khóc. Sau đó tôi lấy xe đưa cô bé ra bến xe bus. Tôi cũng nói: "Cháu nghe chú đi về, cuộc đời còn nhiều điều đón chờ cháu phía trước. Cháu về đi. Việc này xảy ra hết sức đời thường, cháu phải biết vượt qua nó. Biết đâu sự từ chối của người yêu cháu lại tốt cho cháu sau này. Vẫn còn đó là công ơn sinh thành, nuôi dưỡng của bố mẹ… ". Và cô bé đã dần nhận thức được quyết định quyên sinh của mình là bồng bột và sai lầm" -thượng tá Đoàn nhớ lại.
"Thế nhưng cũng có nhiều hoàn cảnh éo le lắm… " - nói tới đây thượng tá Đoàn trầm ngâm hơn khiến nhịp thở của ông cũng trở thành tiếng thở dài.
Cô gái người Bắc Giang, lúc đó là sinh viên một trường đại học tại Hà Nội, bị xâm hại tình dục khi còn là học sinh lớp 12. Những tưởng quá khứ đã được chôn vùi khi cô bé ấy quen và yêu một người con trai khác. Nhưng đây cũng chính là thời điểm nỗi đau bị khơi dậy khi người yêu phát hiện cô bé từng bị xâm hại. Chia tay, đó là cái kết cho cuộc tình mà cô đã cố vun vén. Trong khi đó, bố mất sớm, mẹ đi bước nữa và ở Đông Anh (Hà Nội), anh trai làm công nhân lương ba cọc ba đồng nuôi em ăn học.  Bấy nhiêu cái khổ khiến cô bé đã không kiểm soát được suy nghĩ của mình và quyết định tự tử để tự giải thoát bản thân khỏi những cái khổ ấy.
"Tôi cũng đã thuyết phục cô bé ấy bằng tình cảm như người cha với người con. Sau khi đưa được cô bé an toàn vào trong cầu, chúng tôi có gọi điện cho anh trai. Người anh sau khi nhận tin hớt hải lên với em gái. Những giọt nước mắt trùng phùng, những niềm vui trong giây phút ấy khiến không ít người xúc động" - thượng tá Đoàn cười.
Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội trao quà lưu niệm cho thượng tá Lê Đức Đoàn trong ngày làm việc cuối cùng của thượng tá Đoàn
Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội trao quà lưu niệm cho thượng tá Lê Đức Đoàn trong ngày làm việc cuối cùng

"Mà cái Linh, người Phú Thọ, tôi cũng cứu khi nó có ý định nhảy cầu Chương Dương tự tử vào khoảng năm 2012, giờ nó ăn nên làm ra, mua được ô tô. Mỗi lần đi qua chốt cầu Chương Dương, thấy tôi nó đều giơ tay chào. Nó chào, đó là món quà đời tặng cho tôi và cho nó" - bất chợt, thượng tá Đoàn kể giọng hào hứng.
Đa số những người được thượng tá Đoàn cứu sống đều thầm cảm ơn ông, nhưng cũng có số hiếm trường hợp trách ông vì sao lại cứu mình.
"Trước thời điểm tôi về nghỉ hưu 20 ngày, tôi từng cứu một người phụ nữ có ý định nhảy cầu tự tử chỉ vì không được làm những công việc gia đình như giặt giũ quần áo, đưa con đi học… Tất cả những công việc đó đều tới tay người giúp việc, còn cô chỉ về làm vợ và thực hiện thiên chức của người phụ nữ. "Anh ấy không thương yêu em, anh cứu em làm gì" - đó là những lời trách móc tôi nhận về được từ người phụ nữ này sau 3 tiếng đồng hồ dùng mọi lời lẽ khuyên nhủ. Nhưng sau đó, cả hai vợ chồng lại rất vui vẻ, anh chồng còn xuống tận nơi thăm gia đình tôi. Tôi cũng dặn người chồng phải biết chăm sóc, chia sẻ, yêu thương, bảo ban vợ. Có như thế, ngọn lửa hạnh phúc trong gia đình mới được giữ lâu" - thượng tá Đoàn chia sẻ.
Nhiều năm cứu người và chứng kiến không ít vụ nhảy cầu tự tử tại khu vực chốt mình trực, thượng tá Đoàn dường như "đọc vị" được những người có ý định nhảy cầu. Người lính già ấy không ngần ngại chia sẻ với chúng tôi kinh nghiệm mà mình tích lũy được sau ngần ấy năm đứng chốt tại đây.
"Đó là ánh mắt của họ. Tôi cảm nhận tâm tư của họ qua ánh mắt và tôi cũng dùng ánh mắt để đưa họ trở về với cuộc sống. Con người khi quyết định tìm tới cái chết bằng con đường quyên sinh, họ thường đắn đo. Chính sự đắn đo ấy là "thời cơ" mình cần chớp lấy để cứu họ" - thượng tá Đoàn chiêm nghiệm.

Bài đăng phổ biến