Xà phòng rửa tay có thể gây ung thư gan?
Kết quả nghiên cứu tại Mỹ được công bố gần đây cho thấy các loại dung dịch xà phòng rửa tay có thể gây tổn thương gan nghiêm trọng và thậm chí có thể dẫn đến ung thư.
Các chuyên gia đến từ trường Y khoa San Diego thuộc Đại học California phát hiện ra rằng, trong thành phần của một số sản phẩm gia dụng hàng ngày bao gồm xà phòng, dầu gội, kem đánh răng có chứa Triclosan, chất có thể gây xơ gan và ung thư ở động vật.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Proceedings của Viện Hàn lâm Khoa học cho thấy Triclosan gây xơ gan và ung thư ở chuột trong phòng thí nghiệm thông qua cơ chế phân tử tương tự ở con người.
Nghiên cứu mới đây cho thấy chất Triclosan chứa trong xà phòng rửa tay có thể gây ung thư gan sau thời gian dài sử dụng. Hình minh họa
Triclosan được biết đến như một tác nhân kháng khuẩn, có trong nhiều loại sản phẩm được con người sử dụng hàng ngày.
Hiện tại, hóa chất này đang được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) của Hoa Kỳ điều tra vì những báo cáo trước đó cho thấy chất này có thể phá vỡ nội tiết tố và gây tổn hại đến hệ cơ của con người.
Đồng tác giả công trình nghiên cứu - Bác sĩ Robert Tukey, giáo sư Khoa Hóa học, Sinh hóa và Dược học, cho biết: "Cùng với kết quả phát hiện ngày càng nhiều các mẫu môi trường có chứa Triclosan, việc sử dụng rộng rãi các sản phẩm tiêu dùng có thể “lợi bất cập hại”. Bằng chứng là người tiêu dùng có thể gặp phải tình trạng ngộ độc gan giống như những con chuột trong phòng thí nghiệm. Đặc biệt, nguy cơ tổn thương gan còn cao hơn khi sử dụng chung với các hợp chất khác có hoạt tính tương tự."
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành thí nghiệm bằng cách chia làm 2 nhóm chuột. Một trong hai nhóm được cho tiếp xúc với Triclosan trong 6 tháng, tương đương với hàm lượng con người sử dụng trong 18 năm.
Kết quả cho thấy Triclosan đã phá vỡ tính toàn vẹn của nhu mô gan bên trong các đối tượng thuộc nhóm thử nghiệm, đồng thời dẫn đến gia tăng tỷ lệ u gan do chất hóa học gây ra.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, khối u của nhóm chuột tiếp xúc với Triclosan lớn hơn và thường gặp hơn so với những con chuột không bị “hạ độc” bằng Triclosan.
Nguyên nhân là do Triclosan có thể đã phá hủy protein chịu trách nhiệm giải độc hoặc thải loại độc chất ra khỏi cơ thể.
Nhằm phục hồi tổn thương do Triclosan gây ra, các tế bào gan nhân đôi để tổng hợp lại số lượng protein đã mất. Dần dần, hoạt động này cứ thế tiếp diễn và tạo nên những mô sẹo bên trong gan. Việc tích tụ quá mức các mô sẹo do quá trình viêm nhiễm xảy ra liên tục, lâu ngày gây ra xơ gan và cuối cùng dẫn đến ung thư gan.
Tuy nhiên, Giáo sư Khoa Dược lý sinh hóa thuộc Học viện Hoàng gia London, nhấn mạnh: "Đây không phải là nghiên cứu đầu tiên về tác hại gây ung thư của Triclosan. Liều sử dụng trong nghiên cứu này cũng tương tự các nghiên cứu được thực hiện trước đó.”
“Nhưng các nghiên cứu ở động vật linh trưởng trong vòng 12 tháng, thậm chí với liều cao hơn so với hàm lượng sử dụng trong nghiên cứu này lại không hề cho thấy khả năng Triclosan gây tổn thương gan.”
“Cần lưu ý rằng các khối u gan ở chuột có thể là hậu quả của nhiều loại hóa chất khác nhau, và thường chúng không liên quan đến con người.”